Qua những bài thơ của Hồ Xuân Hương, chứng minh nhân định: “Thơ Xuân Hương bộc lộ rõ con người Xuân Hương, tự tin, đa tài, đa tình nhưng éo le, hẩm hiu đường duyên phận...”

Qua những bài thơ của Hồ Xuân Hương, chứng minh nhân định: “Thơ Xuân Hương bộc lộ rõ con người Xuân Hương, tự tin, đa tài, đa tình nhưng éo le, hẩm hiu đường duyên phận. Nữ sĩ tha thiết cảm thông, bênh vực cảnh “bảy nổi ba chìm” của khách má hồng và lên tiếng giễu cợt những kẻ tầm thường, kém cỏi về tài và đức (đặc biệt là nam giới)”.

Bài làm

Vào giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX, giai đoạn chế độ phong kiên mục ruỗng, thối nát, số phận của người phụ nữ luôn bị vùi dập vào vũng lầy đau khổ, luôn bị trói buộc bởi cái xã hội bất công nam quyền độc đoán, sống dưới chế độ phong kiến ấy, Hồ Xuân Hương cũng là một nạn nhân của xã hội. Đời bà luôn gặp những đau khổ, lận đận, tình duyên trắc trở, phải chịu cuộc đời làm lẽ, nhưng bà vẫn đứng vững trên lập trường nhân sinh để bênh vực và đề cao phụ nữ, mặt khác bà lớn tiếng đả kích tất cả những nhân vật tiêu biểu của xã hội phong kiến bằng những vần thơ Nôm của mình. Cho nên có ý kiến cho rằng: “Thơ Xuân Hương bộc lộ rõ con người Xuân Hương, tự tin, đa tài, đa tình nhưng éo le, hẩm hiu đường duyên phận. Nữ sĩ tha thiết cảm thông, bênh vực cảnh “bảy nổi ba chìm” của khách má hồng và lên tiếng công khai giễu cợt những kẻ tầm thường, kém cỏi về tài và đức ”. Chứng minh nhận định trên bằng những bài thơ đã học là dịp chúng ta hiểu sâu hơn về phong cách thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Thơ Xuân Hương bộc lộ rõ con người Xuân Hương

Thật vậy, Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ giàu tình cảm, nhưng vì số phận hẩm hiu, thân thế long đong cho nên thơ bà và cả số phận của bà có thể được coi là tiêu biểu cho bao nỗi đắng cay, dằn vặt, bao phản kháng và bất bình, cùng bao khát vọng thường tình nhưng hết sức bức thiết của người phụ nữ. Vì thế, thơ của bà thường là những vần thơ mạnh bạo, biểu cảm cả hai mặt trong ý tưởng từ ngữ, hình ảnh và vần điệu. Bằng những hình ảnh tượng trưng và cặp quan hệ từ kết hợp với thành ngữ trong “Bánh trôi nước”, Hồ Xuân Hương đã nói lên được cái bất công của xã hội. Đó chính là cảnh ngộ người con gái giàu sức sống và hết sức tài hoa nhưng cuộc đời lại bất hạnh, số phận thật lận đận, gian truân:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non.

Bà đã sử dụng tiếng nói duyên dáng của phụ nữ trong văn học để bênh vực cho phụ nữ và bà cũng khẳng định cái phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ với tấm lòng thủy chung, son sắt của mình quyết giữ gìn không để hoàn cảnh bất công của xã hội làm hoen ố:

Rắn, nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Càng bênh vực phụ nữ, thơ của Hồ Xuân Hương càng khẳng định rõ vai trò của người phụ nữ. Họ có thể làm nên sự nghiệp lớn hơn đấng mày râu. Mặc khác, càng cảm thông với cảnh “bảy nổi ba chìm” của khách má hồng, Hồ Xuân Hương càng đả kích chế độ nam quyền, thần quyền, nói lên tiếng nói phản kháng mãnh liệt đối với cái chế độ đã gây cho bà và những người phụ nữ khác bao nỗi bất hạnh, đau khổ. Đồng thời, bà cũng muốn bày tỏ ước mơ được đổi đời của người phụ nữ trong cái xã hội trọng nam khinh nữ này:

Ví đây đổi phận làm trai được

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?

(Đề đền Sầm Nghi Đống)

Hồ Xuân Hương là một phụ nữ độc đáo, một con người có bản lĩnh cứng cáp, luôn sôi nổi, đùa cợt, chế giễu, mỉa mai, bày tỏ thái độ coi khinh bất kính của mình bằng những cái nhìn không kính trọng đối với những kẻ tầm thường, kém cỏi cả tài và đức:

Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo

Kìa đền Thái Thú đứng cheo leo.

(Đề đền Sầm Nghi Đống)

Bà đã biểu hiện thái độ coi khinh bất kính đối với đền thờ Sầm Nghi Đống bằng tài thơ trào phúng, đặc sắc của mình, vì đây chỉ là đền thờ một vị tướng đi xâm lược nước ngoài đã thất bại, nhục nhã rồi tự tử.

Song với tâm hồn mạnh mẽ và tài thơ lạ lùng của mình, Hồ Xuân Hương đã chinh phục được thời đại của bà. Thật đúng bà là một con người đầy bản lĩnh, dám nói lên vấn đề tình yêu nam nữ một cách cương quyết, táo bạo trong xã hội mà phụ nữ luôn bị tước đoạt quyền sống, bị xem thường và không coi trọng cái tôi của họ:

Quả câu nho nhỏ miếng trầu hôi

Này của Xuân Hương mới quệt rồi

Có phải duyên nhau thì thắm lại

Đừng xanh như lá, bạc như vôi.

(Mời trầu)

Thơ Hồ Xuân Hương thường sử dụng các từ nhiều hàm nghĩa thật khéo léo để nói lên cái mong mỏi ước mong của mình, của những người phụ nữ trong quan hệ tình yêu và hôn nhân. Chỉ bốn câu gói gọn trong ấy mà nói lên được cái tâm trạng, suy nghĩ cua tác giả về cuộc đời. Đồng thời, ta cũng thấy được cái lối nói dường như bứt phá ra khỏi tính quy ước trong văn học đương thời. Đó là cái tôi mà Hồ Xuân Hương tự xưng mình “của Xuân Hương". Mặt khác, thơ bà còn chứa đầy chất liệu của tiếng nói và thơ ca dân gian: “Quả cau nho nhỏ..." có lẽ nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã sống và tiếp xúc với nhiều hạng người trong cuộc đời rộng mở, phóng khoáng của bà, cho nên bà đã nắm được ngôn ngữ bình dân và dùng ngôn ngữ ấy sâu sắc, trong sáng và hóm hỉnh.

Hồ Xuân Hương đã nói lên được cái bất công của xã hội

Song thơ Hồ Xuân Hương không chỉ có tiếng cười đùa, hóm hỉnh và tinh nghịch mà còn có cả điệu buồn len vào một cách sâu lắng. Đó là những nỗi buồn chua chát và thương đau cho số phận hẩm hiu của cuộc đời mình mà không sao giấu nổi, là sự thở dài ngao ngán của bản thân mình về những nỗi buồn cô đơn gần như là vô vọng, nhưng nó vẫn mang cá tính mạnh mẽ của bà. Vì thế mà các nỗi buồn ấy không thê thảm, không yếu đuối tuyệt vọng mà có sự gượng dậy, thách thức, không chịu thua đời. Cho nên thơ của bà thường toát lên một thái độ chua chát của mình đối với thân phận của người phụ nữ trong xã hội:

Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom

Oán hận trông ra khắp mọi chòm

Mỏ thảm không khua mà cũng cốc,

Chuông sầu không đánh cớ sao om?

(Tự tình - I)

Bà đã bộc lộ nỗi đau của mình, cái nỗi đau không phát thành tiếng, một nỗi đau “không vò mà nát, không dần mà đau” (Nguyễn Du). Cái nỗi đau oán hận, hờn dỗi về cuộc đời truân chuyên do cuộc sống đẩy đưa, đưa đẩy đến với bà. Do đó, thơ bà cùng bộc lộ sự oán hận của mình trong một đêm cô đơn với cảnh vật, không gian mênh mông rộng lớn:

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn.

Trơ cái hồng nhan với nước non

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

(Tự tình - II)

Bà là một con người đa tình, đa cảm nhưng rất tự tin ở chính mình, không thụ động, buông xuôi theo số phận an bài. Cho nên thơ bà cũng biểu hiện sự đối diện của chính bà với cái dư luận xã hội, với những trí thức thượng lưu của xã hội:

Tài tử văn nhân ai đó tá?

Thân này đâu đã chịu già tom!

(Tự tình - III)

Đối với những câu kết như thế này, thơ bà đều mang ý nghĩa ngậm ngùi, ấm ức. Các từ ngữ được dồn lại, lắng đọng, cộng hưởng âm và ý để cực tả nỗi niềm chua chát ngán ngẩm của mình.

Tóm lại với nghệ thuật của mình, Hồ Xuân Hương đã sử dụng những từ ngữ thuần Việt dân dã, giàu sức biểu cảm, hình ảnh được vẽ ra thật khéo léo và cảm động cùng với giọng thơ mỉa mai, trào phúng để bộc lộ rõ thái độ phản kháng, chống lại chế độ phong kiến nam quyền độc đoán luôn chà đạp lên quyền sống của con người, đặc biệt là những người phụ nữ. Bà luôn đề cao bênh vực người cùng giới, những bài thơ bộc lộ rõ thái độ buồn khổ, xót xa của mình đối với thân phận của những người phụ nữ.

Chính lúc này, ta mới thấy được một Hồ Xuân Hương đích thực với một sự dịu dàng đắm Việt Nam rất phù hợp với sự bình dị, chân chất của dân ca, ca dao nhưng lại rất bản lĩnh trong ý thức của mình.

Thơ Hồ Xuân Hương là những bài thơ tràn trề sức sống, là những lời than thân trách phận bi thiết, những lời nói mãnh liệt đòi quyền sống cho con người nói chung và cho người phụ nữ nói riêng. Vì thế mà thơ của bà đã chiếm một vị trí rất đặc biệt trong văn học Việt Nam và gây ra nhiều tranh luận trên văn đàn.

Viết bình luận