Trong bức thư gửi thầy Hiệu trưởng ngôi trường con trai mình đang học, Tổng thống Abraham Lincoln có viết: “Xin hãy giúp cho cháu thấy được thế giới kì diệu của sách...và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh”. Hãy nêu những suy nghĩ của em về đoạn thư trên

Trong bức thư gửi thầy Hiệu trưởng ngôi trường con trai mình đang học, Tổng thống Abraham Lincoln có viết:

“Xin hãy giúp cho cháu thấy được thế giới kì diệu của sách. Nhưng cũng hãy cho cháu có đủ thời gian lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh sáng, và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh”.

Hãy nêu những suy nghĩ của em về đoạn thư trên.

BÀI LÀM

Abraham Lincoln (1809 - 1965), Tổng thống thứ 16 của Hoa Kì, từ năm 1861. Riêng về mặt văn hóa, giáo dục, ngài để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, thể hiện một tầm cao nhân văn của một bậc vĩ nhân trong lịch sử. Cho đến nay, gần 150 năm đã trôi qua, nhưng nhiều người nhân dịp ngày tựu trường đưa con vào học lớp Một vẫn nhắc đến, nghĩ đến bức thư của ngài gửi thầy Hiệu trưởng ngôi trường con trai mình đang học. Đây là một đoạn ngắn trong bức thư ấy: “Xin (thầy) hãy giúp cho cháu thấy được thế giới kì diệu của sách. Nhưng cũng hãy cho cháu có đủ thời gian lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh sáng, và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh”.

Thế giới kì diệu của sách

1. Giữa người gửi thư và người nhận thư, ngoài mối quan hệ xã hội giữa một vị Tổng thống với một viên chức, một công dân Hoa Kì, còn có mối quan hệ giữa một vị phụ huynh với thầy Hiệu trưởng và các thầy, cô giáo khác, nơi ngôi trường mà đứa con của ngài Tổng thống đang học.

Đọc bất cứ một bức thư nào, đằng sau nội dung, ta quan tâm nhiều đến ngôn từ, ngữ điệu của người viết biểu hiện qua bức thư ấy. Mối quan hệ thân/sơ, khinh/trọng, khiêm tốn/khiếm nhã, v.v... là linh hồn của bức thư. Đọc đoạn thư trên đây của ngài Tổng thống, qua giọng điệu và ngôn từ: “Xin (thầy) hãy giúp cho cháu thấy được... Nhưng cũng hãy cho cháu có đủ thời gian lặng lẽ suy tư...” - ta thấy được, ngài Tổng thống đã viết với tất cả tình cảm khiêm nhường, trang trọng, lịch thiệp của một vị phụ huynh đối với một thầy giáo (một con người bình thường trong xã hội Mĩ thời bấy giờ). Ngôn từ và giọng điệu đó thể hiện một niềm tin cậy thiết tha, một tình cảm “tôn sư trọng đạo” mà người phương Đông thường nói tới, một đạo lí mà nhân dân ta đề cao.

2. “Xin (thầy) hãy giúp cho cháu thấy được thế giới kì diệu của sách” - đó là một lời thỉnh cầu, một điều mong mỏi và tin cậy rất thiết tha, rất chân thành của ngài Tổng thống - vị phụ huynh đối với thầy Hiệu trưởng ngôi trường con trai mình đang học.

Sách là kết tinh nền văn minh nhân loại, là nơi hội tụ mọi tinh hoa của loài người về mọi lĩnh vực nhân văn và khoa học, đánh dấu những bước đường đi lên của mọi dân tộc, mọi quốc gia trên hành trình qua nhiều thiên niên kỉ. Sách hội tụ bao kiến thức để mở rộng tầm nhìn, nâng cao trí tuệ, bồi đắp tâm hồn cho mọi thế hệ vươn tới ánh sáng tương lai,...

Khi cổng trường mở ra đón nhận tuổi thơ, sách trở thành hành trang, sách là người thầy, người bạn của em nhỏ thời áo trắng. Những cuốn sách giáo khoa sẽ trở nên gắn bó, thiết thân suốt 12 năm học phổ thông và 5, 6 năm học đại học của bất kì người học sinh nào, người sinh viên nào. Và ai cũng cảm thấy lớn lên cùng trang sách.

Sách chứa đựng biết bao kiến thức “kì diệu”. Nhưng để chiếm lĩnh được sự “kì diệu” đó, chỉ có người thầy, phải có người thầy dạy bảo. Đúng như ngài Abraham Lincoln đã viết trong bức thư gửi thầy Hiệu trưởng: “Xin (thầy) hãy giúp cho cháu thấy được thế giới kì diệu của sách”. “Giúp cho” nghĩa là dạy bảo cho, bày vẽ cho, hướng dẫn cho phương pháp đọc sách, chọn sách, dùng sách để học tập, biết yêu sách và quý sách. Vai trò người thầy rất to lớn, cực kì quan trọng trong việc “giúp cho” để tuổi thơ, người học trò tâm hồn trong sáng “thấy được thế giới kì diệu của sách”. “Thế giới kì diệu của sách” thật vô cùng phong phú. Có thể đó là Nàng công chúa ngủ trong rừng,Con Cừu thông minh,Ba vạn dặm dưới biển,Những vì sao xa xôi,Bảy sắc cầu vồng, v.v... Bao thế hệ tuổi thơ đã khôn lớn dần cùng trang sách, ước mơ làm bay bổng tâm hồn, nhờ có sự dạy dỗ, chỉ bảo của người thầy, những thế hệ tương lai ấy mới có thể “thấy được sự kì diệu của sách”. Và mỗi chúng ta càng thêm thấm thía câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên”.

Sách chứa đựng biết bao kiến thức “kì diệu”

3. Lincoln không chỉ khẳng định, đánh giá cao vai trò người thầy trong việc giáo hóa tuổi thơ trong việc bồi dưỡng kiến thức, bồi đắp tâm hồn bằng “thế giới kì diệu của sách”, mà ông còn nhờ cậy thầy Hiệu trưởng ngôi trường con mình đang học: “Nhưng cũng hãy cho cháu có đủ thời gian lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh sáng, và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh”.

Ai cũng biết, đối với tuổi thơ thì ngoài trang sách giáo khoa, trang sách, quyển sách trong phòng thư viện,... còn có “quyển sách thứ hai” là quyển sách về thiên nhiên, quyển sách về cuộc đời và xã hội. “Quyển sách thứ hai” cũng vô cùng kì diệu, muôn màu muôn vẻ, đủ sắc màu ý vị, tràn đầy sức sống, với “bao điều bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh sáng, và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh”.

Thiên nhiên rất đẹp, có “bao điều bí ẩn”, nên thi sĩ Xuân Diệu đã Vội vàng:

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi

Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi...

Tiêp nhận “sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống” trong “quyển sách thứ hai” không phải bằng sự áp đặt, mà ngài Tổng thống tha thiết đề nghị thầy hiệu trưởng “hãy cho cháu có đủ thời gian lặng lẽ suy tư”. Có nghĩa là người học trò được “vừa học vừa chơi”, “vừa chơi vừa học”, chủ động thâm nhập, tìm hiểu, suy ngẫm, “lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống”. Và chỉ khi nào người học được “có đủ thời gian lặng lẽ suy tư” thì mới có thể chiếm lĩnh được cái đẹp muôn màu muôn vẻ của “bài thơ cuộc sống”. Có tự giác khám phá cuộc sống mới có thể làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân mình.

Qua đoạn thư trên của Tổng thống Abraham Lincoln, ta càng thấy rõ ngày tháng dần trôi qua, tuổi trẻ học đường được giáo dục và giáo dưỡng, được sự chăm sóc yêu thương của các thầy cô giáo, họ sẽ lớn lên, trí tuệ và tính cách được phát triển, học vấn được mở mang, kiến thức văn hóa và kiến thức đời sống được tích lũy. Họ sẽ chiếm lĩnh được “thế giới kì diệu của sách”, sẽ thâm nhập ngày càng sâu vào thiên nhiên và thực tế cuộc sống xã hội, qua “thời gian lặng lẽ suy tư" dưới sự chỉ bảo của người thầy.

Không có sách thì không có trí thức, không có khoa học. “Học vấn không chỉ là việc đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng của học vấn” (Chu Quang Tiềm). Đọc sách, học theo sách, làm theo sách là rất quan trọng, nhưng học phải hỏi, học phải đi đôi với hành, trang sách học đường phải gắn liền với trang sách đời sống. Và chỉ bằng sự dạy bảo của người thầy và bằng sự nỗ lực của bản thân, tinh thần hiếu học, thông minh, sáng tạo của bản thân người học thì mới có thể phát triển tài năng.

Đó là những điều sâu sắc mà ta cảm nhận được qua đoạn thư ngắn ngủi trên đây của Tổng thống Abraham Lincoln gửi thầy Hiệu trưởng ngôi trường nơi con mình đang học.

Đoạn thư trên đây còn là tình thương và sự quan tâm săn sóc của người cha đối với tương lai của đứa con yêu quý.

Học để làm người. Công ơn của người thầy vô cùng to lớn. Nhờ ơn thầy mà tuổi thơ sẽ “thấy được thế giới kì diệu của sách”, được mở rộng tâm hồn “lặng lẽ suy tư? khám phá về “sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống”.

Viết bình luận