Tuyên ngôn Độc lập là bản anh hùng ca của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Những cảm nhận và suy nghĩ của em về bài văn chính luận ấy?
Năm 1076, Lý Thường Kiệt đọc Nam quốc sơn hà... trên chiến tuyến sông Cầu - Như Nguyệt.
Năm 1428, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo, áng thiên cổ hùng văn của Đại Việt trong thế kỉ XV.
Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập - bản anh hùng ca của dân tộc Việt Nam trong giữa thế kỉ XX.
Phải trăm năm mới có ngày độc lập
Ai đếm hết chuỗi người lên máy chém lúc hừng đông
Roi vọt Côn Lôn, ngục tù Phú Quốc...
Mỗi trang sử đất này đều ngập máu cha ông
Sau gần một thế kỉ đấu tranh vô cùng kiên cường và anh dũng, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch đã quật khởi đứng lên Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Ngày 19/8/1945, chính quyền ở Thủ đô Hà Nội đã về tay nhân dân ta. 23/8/1945, tại Huế và Hải Phòng, chính quyền cách mạng đã được thành lập. Ngày 25/8/1945, một triệu đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn đã khởi nghĩa thành công. Chỉ không đầy 10 ngày, cả nước ta đã giành được chính quyền về tay nhân dân, Cách mạng tháng Tám đã thành công rực rỡ.
Ngày 26/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ căn cứ địa Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn gác 48 phố Hàng Ngang, Người khởi thảo Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 2/9/1945, trước mấy chục vạn đồng bào Thủ đô Hà Nội, thay mặt Chính phủ Lâm thời, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố thủ tiêu vĩnh viễn chế độ phong kiến và chế độ thực dân, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra một kỉ nguyên mới: độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Nếu như Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt mở đầu bằng một lời tuyên ngôn đanh thép: Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi khẳng định sức mạnh nhân nghĩa Đại Việt: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân - Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, thì trong Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chủ tịch lại mở đầu bằng cách trích dẫn hai câu nổi tiếng trong hai bản tuyên ngôn nổi tiếng trên thế giới.
Câu thứ nhất trích dẫn từ bản Tuyền ngôn Độc lập năm 1776 của Mĩ:
“Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Câu thứ hai trích dẫn từ bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791:
“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi"
Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu bằng cách trích dẫn như vậy bởi lẽ Người có nhiều dụng ý chiến lược và chiến thuật sâu sắc. Trước hết, đứng trên tầm cao thời đại, Người ca ngợi hai cuộc Cách mạng của Mĩ và Pháp trong thế kỉ XVIII là hai cuộc Cách mạng vĩ đại; tư tưởng nhân quyền và dân quyền như quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc là những tư tưởng vĩ đại. Vì thế, Hồ Chí Minh mới nói “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Người không chỉ trích dẫn mà còn “suy rộng ra” để bình luận. Quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc không chỉ là nhân quyền và dân quyền, mà sau Thế chiến thứ hai còn là quyền thiêng liêng, cao cả của các dân tộc trên thế giới, là khát vọng, là xu thế lịch sử của thời đại. Vì thế Hồ Chủ tịch đã viết: "... Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Giáo sư Sin-gô Si-ba-ta trong luận văn Hồ Chí Minh nhà tư tưởng đã khẳng định tính chất độc đáo của tư tưởng Hồ Chí Minh được biểu hiện trong Tuyên ngôn độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở rộng quyền của con người thành quyền của dân tộc, “quyền lợi của mỗi cá nhân được coi là cơ sở cho quyền lợi của cách mạng”; “Công hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình”.
Trích dẫn hai câu nổi tiếng trong hai bản tuyên ngôn của Mĩ và Pháp, Hồ Chủ tịch muọh khẳng định một chân lí lịch sử và một niềm tự hào dân tộc. Cuộc chiến tranh giành độc lập của nhân dân Mĩ với sự ra đời bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776, cuộc Cách mạng Pháp với bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 là vô cùng vĩ đại. Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 với Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 của dân tộc Việt Nam đã mang tầm vóc thời đại và vô cùng vĩ đại. Hồ Chủ tịch đã biểu lộ niềm tự hào về đất nước ta, nhân dân ta rất anh hùng và có một nền văn hiến lâu đời.
Trước tình hình thế giới sau Chiến tranh lần thứ hai, vấn đề giải phóng dân tộc được đặt ra một cách nóng bỏng tính thời sự nên Hồ Chủ tịch mới mở đầu Tuyên ngôn Độc lập như thế. Một mặt, Người dùng chiến thuật “gậy ông đập lưng ông” để vạch trần dã tâm của thực dân Pháp từng chà đạp lên lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái của Cách mạng Pháp đến ăn cướp nước ta trong suốt 80 năm trời, đồng thời để ngăn chặn âm mưu của Đờ Gôn và bè lũ muốn tái chiếm Việt Nam làm thuộc địa. Mặt khác, Người đề cao tư tưởng nhân đạo và tính pháp lí của văn kiện lịch sử này, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong phe Đồng minh, của nhân dân thế giới đối với cuộc Cách mạng tháng Tám 1945.
Tóm lại, với cách mở bài độc đáo, đặc sắc như vậy, Tuyên ngôn Độc lập cho thấy trí tuệ uyên bác, tầm nhìn chiến lược sâu sắc rộng lớn của Hồ Chí Minh về chặng đường lịch sử phía trước của nhân dân ta.
Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực thể hiện phong cách chính luận Hồ Chí Minh.
Văn chính luận phải được thể hiện trên ba tiêu chí sau: một là lí lẽ, hai là lập luận, ba là bằng chứng. Tuyên ngôn Độc lập ngoài ba tiêu chí trên còn có những nét riêng trong cách viết mang dấu ấn văn phong của Hồ Chủ tịch.
Lí lẽ của Hồ Chí Minh rất sắc bén. Ví dụ; sau khí trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Mĩ, Pháp, Người đã khẳng định “đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”, trên cơ sở đó, Người vạch trần dã tâm và bộ mặt xảo quyệt của thực dân Pháp:
“Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.
Lí lẽ trên đây rất sắc bén, có sức mạnh thuyết phục to lớn, vì tác giả đã xây dựng luận chứng, phát triển lí lẽ trên cơ sở “những lẽ phải”, những tư tưởng về nhân quyền, về dân quyền, về quyền tự quyết của các dân tộc.
Ví dụ nữa: Nhằm vạch trần chân tướng hèn hạ, phản bội và nhục nhã của thực dân Pháp sau cuộc đảo chính 9/3/1945 của Nhật, lí lẽ của Hồ Chủ tịch vừa sắc bén vừa châm biếm, khinh bỉ:
“Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”.
Lí lẽ trong văn chính luận không phải là sự suy diễn vô căn cứ, không phải là nguy biện, trái lại, lí lẽ phải được xây dựng trên nền tảng hiện thực và chân lí.
Lí lẽ trên đây của Hồ Chí Minh xây dựng trên hiện thực cuộc sống và chân lí lịch sử Việt Nam từ 1940 - 9/3/1945. Lí lẽ ấy rất sắc bén, đanh thép và hùng hồn là như vậy!
Cách lập luận trong Tuyên ngôn Độc lập như thế nào?
Lập luận trong văn nghị luận là nghệ thuật lập luận chứng, xây dựng hệ thống lí lẽ và luận cứ để tạo nên một cấu trúc chặt chẽ, tạo ra những suy luận phán đoán, đi sát chân lí, phù hợp với xu thế đi lên của lịch sử. Cách lập luận của Hồ Chí Minh rất chặt chẽ, hùng biện. Lúc thì từ những luận cứ lịch sử, Người tạo nên suy luận: “Chúng thi hành luật pháp dã man (luận cứ 1). Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc (luận cứ 2) để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta (suy diễn 1), để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết” (duy diễn 2). Qua đó, ta thấy: luận cứ gắn chặt với suy diễn; suy diễn mang tính chất tất yếu, đó là tính lôgic của lập luận.
Ví dụ thứ ba: Để ca ngợi và khẳng định truyền thống yêu nước, tinh thần gan góc chống ngoại xâm, chống thực dân, chống phát xít của nhân dân ta, tự hào và khẳng định nền độc lập của nhân dân ta là kết quả của một quá trình chiến đấu và hi sinh lâu dài, với bao nhiêu xương máu đã đổ xuống, chứ không phải do một thế lực nào ở bên ngoài ban phát cho, Người đã viết:
“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay (luận cứ 1), một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay (luận cứ 2), dân tộc đó phải được tự do! (hệ quả 1). Dân tộc đó phải được độc lập!” (hệ quả 2).
Cách lập luận trên đây rất chặt chẽ, độc đáo và hùng biện. Từ luận cứ 1 và luận cứ 2, Người đi đến khẳng định hệ quả 1 rồi tăng cấp rút ra hệ quả 2. Nếu viết: “Dân tộc đó phải được tự do và phải được độc lập” thì chất hùng biện đã giảm đi phần lớn. Lối viết trùng điệp, đốì xứng cũng góp phần tạo nên một đoạn văn đẹp nổi tiếng của Hồ Chủ tịch.
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Đờ Gôn và bọn thực dân Pháp hiếu chiến đưa ra luận điệu: "Việt Nam vẫn là thuộc địa của Pháp”, Hồ Chủ tịch đã bác bỏ luận điệu ấy. Tính pháp lí của Tuyên ngôn Độc lập chính một phần được thể hiện qua đoạn văn và nghệ thuật lập luận chặt chẽ, hùng biện này:
“Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”.
Đó là những bằng chứng lịch sử hiển nhiên không ai có thể chối cãi được. Hồ Chủ tịch đã căm thù lên án năm tội ác lớn về chính tri và năm tội ác lớn về kinh tế của thực dân Pháp trong 80 năm thống trị nước ta. Đây là tội ác thứ ba về chính trị:
“Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”.
Tội ác thứ năm về kinh tế của thực dân Pháp là trong vòng 5 năm chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật, và chúng đã gây ra nạn đói năm 1945, làm hơn 2 triệu đồng bào ta bị chết đói!
Xưa kia trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi căm giận lên án tội ác quân “cuồng Minh” đã “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn - Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”. Tội ác ghê tởm ấy: “Lẽ nào trời đất dung tha - Ai bảo thần dân chịu được?” - Đọc Tuyên ngôn Độc lập ta cũng có cảm nhận ấy!
Tuyên ngôn Độc lập thể hiện cách viết ngắn gọn, súc tích, hùng hồn của Hồ Chí Minh. Cả bản tuyên ngôn hàm chứa biết bao sự kiện lịch sử, bao ý tưởng vĩ đại, nhưng áng văn chính luận này chỉ dài 1032 chữ; trong đó Người dùng 104 chữ để “chép” năm tội ác lớn của thực dân Pháp. Chủ yếu Người sử dụng câu văn ngắn. Có câu chỉ có 9 từ mà nêu lên một cục diện chính trị, một tình thế cách mạng sôi sục: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”. Các động từ, trạng ngữ thể hiện tính chất triệt để của cuộc Cách mạng tháng Tám:
...“Bởi thế cho nên, chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyển bố thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.
Các từ ngữ: “thoát li hẳn”, “xoá bỏ hết”, “xóa bỏ tất cả” là linh hồn của đoạn văn trên, thể hiện cách dùng từ, đặt câu của Hồ Chủ tịch: sắc sảo, chính xác, mạnh mẽ.
Tuyên ngôn Độc lập phản ánh truyền thống yêu nước anh hùng chống ngoại xâm của dân tộc ta, nói lên khát vọng về độc lập, tự do của nhân dân ta. Nó là bản anh hùng ca thời đại. Lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu lộ sức mạnh nhân nghĩa trong thời đại mới, đanh thép và hùng hồn:
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn hồi kí “Những năm tháng không thể nào quên”, có viết:
“Lịch sử đã sang trang. Một kỉ nguyên mới bắt đầu: Kỉ nguyên Độc lập, Tự do, Hạnh phúc... Cả dân tộc đã hồi sinh. Vô vàn khó khăn còn ở phía trước mắt. Nhưng đối với bọn đế quốc, muốn phục hồi lại thiên đàng đã mất, mọi việc cũng không còn dễ dàng như xưa...”.
Hồ Chí Minh đã có lần nói, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, chỉ có lúc soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập là “những giờ phút sảng khoái nhất” của Người.
Có thể nói, Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử trọng đại của nhân dân ta, tiêu biểu cho phong cách chính luận của Hồ Chí Minh: ngắn gọn, súc tích, đanh thép, hùng hồn, lí lẽ sắc bén, lập luận chặt chẽ... Đúng là Lời Non Nước cao cả và thiêng liêng.
Viết bình luận