Cảm nhận về bài Nhìn về vốn văn hóa dân tộc của Trấn Đình Hượu

Giáo sư Trần Đình Hượu (1927 - 1995) là người có một số công trình đặc sắc về Nho giáo và các vấn đề tư tưởng, văn hóa Việt Nam.

Đoạn trích Nhìn về vốn văn hoá dân tộc rút trong cuốn “Đến hiện đại từ truyền thống” của ông, xuất bản năm 1986.

Những kiến giải của tác giả về một số biểu hiện của đặc sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, việc xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa từ các vốn văn hóa truyền thống - trong văn bản này khá sáng tỏ và đầy sức thuyết phục.

1. Trần Đình Hượu nêu lên nhận xét khái quát về văn hoá Việt Nam như sau: "Chúng ta không thể tự hào là nền văn hoá của ta đồ sộ, có những cống hiển lớn lao cho nhân loại, hay có những đặc sắc nổi bật". Sau đó, ông đánh giá về cái vốn văn hoá Việt Nam, cái vốn đã có của dân tộc ta.

Chùa Đồng - Yên Tử

Về thần thoại "không phong phú hay là có, nhưng một thời gian nào đó đã mất hứng thú lưu truyền?".

Về tôn giáo, người Việt Nam không cuồng tín, không say mê tranh biện triết học. Các tôn giáo đều có mặt, nhưng "thường là biến thành một lối thờ cúng, ít ai quan tâm đến giáo lí".

Về khoa học, kĩ thuật không có một ngành nào "phát triển đến thành truyền thống "đáng tự hào.

Về âm nhạc, hội họa, kiến trúc "đều không phát triển đến tuyệt kĩ".

Có thể nói, những ý kiến mà Trần Đình Hượu nêu lên là chính xác. Ai đã từng dự một số lễ hội dân gian từ Bắc vào đến Trung, Nam, như lễ hội chùa Hương, lễ hội Phủ Giày, lễ hội Bà Chúa Sam, v.v... đều cảm thấy, tôn giáo đã biến thành "một lối thờ cúng" như tác giả đã nhận xét.

Về thơ ca, Trần Đình Hượu chỉ rõ: "Trong các ngành nghệ thuật, cái phát triển nhất là thơ ca. Hầu như người nào cũng có thể, cũng có dịp làm dăm ha câu thơ". Đó là một ý kiến đúng. Song người đọc lại phân vân khi nghe tác giả nói: "Nhưng số nhà thơ để lại nhiều tác phẩm thì không có". Vậy thì, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến,... những nhà thơ lớn của dân tộc ta, thi phẩm của các cụ để lại nào có ít, nào có kém ai?

Hạn chế của nền văn hoá của ta là do nguyên nhân nào? Trần Đình Hượu chỉ rõ, là do “khuynh hướng, hứng thú, sự ưa thích” của con người Việt Nam. Sâu xa hơn nữa là do "sự hạn chế của trình độ sản xuất của đời sống xã hội". Văn hoá của ta “là văn hoá của dân nông nghiệp định cư, không có nhu cầu lưu chuyền, trao đổi, không có sự kích thích của đô thị". Đó là một cái nhìn khá sâu sắc về tầm vóc, về bản sắc, về hạn chế của văn hoá dân tộc.

2. Theo Trần Đình Hượu thì quan niệm sống, quan niệm về lí tưởng, về cái đẹp là những biểu hiện của đặc sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

a. Về quan niệm sống, con người Việt Nam “ít tinh thần tôn giáo”, họ “coi trọng hiện thế trần tục hơn thế giới bân kia”, cũng mê tín, tin là có ma quỷ, thần Phật; cũng cầu cúng, nhưng về tương lai, họ “lo cho con cháu hơn là linh hồn của mình”; tuy “coi trọng hiện thế”, nhưng không “quá sợ hãi cái chết”.

Con người Việt Nam, trong cuộc sống, ý thức về cá nhân và sở hữu “không phát triển cao”. Họ quan niệm của cải, tài sản “là của chung, giàu sang chỉ là tạm thời, tham lam giành giật cho nhiều cũng không giữ mãi mà hưởng được”. Phải chăng bài ca dao sau đây thể hiện rõ ý thức đó:

Vua Ngô ba mươi sáu tán vàng,

Chết xuống âm phủ nào mang được gì!

Chúa Chổm uống rượu tì tì,

Chết xuống âm phủ, khác gì vua Ngô?

Niềm mơ ước của con người Việt Nam rất bình dị, đáng yêu. Họ “mong ước thái bình, an cư lạc nghiệp để làm ăn cho no đủ, sống thanh nhàn, thong thả, có đông con nhiều cháu”', ước mong về hạnh phúc nói chung “là thiết thực, yên phận thủ thường, không mong gì cao xa, khác thường, hơn người”. Trong xã hội, gia đình, và trong cuộc sống, con người được ưa chuộng “là con người hiền lành, tình nghĩa”.

b. Quan niệm về lí tưởng của con người Việt Nam cũng mang bản sắc riêng rất rõ nét. Họ “không chuộng trí mà cũng không chuộng dũng”', mặc dù phải liên tục chiến đấu chống ngoại xâm nhưng “không thượng võ”. Con người Việt Nam “không ca tụng trí tuệ mà ca tụng khôn khéo”; “biết thủ thế giữ mình” để gỡ mọi tình thế khó khăn; “không dễ hòa hợp” với cái mới, cái dị kỉ nhưng “không cự tuyệt đến cùng”; biết “chấp nhận” cái gì vừa phải, hợp với mình, nhưng cũng “chần chừ, dè dặt, giữ mình”. Trong tâm trí, tâm hồn của con người Việt Nam thường có Thần và Bụt mà không có Tiên.

c. Về cái đẹp, theo Trần Đình Hượu thì con người Việt Nam cho rằng “cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo”; “không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kì vĩ”; về màu sắc “chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc sỡ”; về quy mô “chuộng sự vừa khéo, vừa xinh phải khoảng”. Giao tiếp, ứng xử “chuộng hợp tình hợp lí”', áo quần, trang sức, món ăn “đều không chuộng sự cầu kì”. Trong cuộc sống, con người Việt Nam “đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải”.

Cảm nhận về bài Nhìn về vốn văn hóa dân tộc của Trấn Đình Hượu

Đúng như tác giả đã nhận định, dân tộc Việt Nam chúng ta “không có công trình kiến trúc nào, kể cả vua chúa nhằm vào sự vĩnh viễn”. Ta không có những công trình kì vĩ như chùa Đế Thiên Đế Thích của Căm-pu-chia, như những tháp chọc trời của Ai Cập, như những đền đài của Ấn Độ, Vạn Lí Trường Thành của Trung Quốc, v.v... Con người Việt Nam “quý sự kín đáo hơn sự phô trương, sự hòa đồng hơn rạch ròi trắng đen”.

Trên đây là những biểu hiện của đặc sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Nền văn hóa đã hình thành và phát triển qua nhiều nghìn năm dựng nước và giữ nước. Nền kinh tế nông nghiệp (trồng lúa nước) là nền văn minh sông Hồng với hơn 90% dân số làm nghề cày cấy. Trong khuôn phép “Đất vua, chùa làng”, tế bào của xã hội là hộ tiểu nông, đơn vị tổ chức xã hội là làng. Con người Việt Nam từ xưa đến nay luôn luôn đứng trước thiên tai, địch họa, nên họ coi trọng “Thế hơn Lực”, luôn luôn ý thức về “sự nhỏ yếu, về thực tế nhiều khó khăn, nhiều bất trắc” để vượt qua và vươn lên không ngừng, thể hiện một dáng đứng Việt Nam, một bản lĩnh Việt Nam.

3. Nhận định về bản sắc văn hóa Việt Nam, Trần Đình Hượu đã viết: “Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hòa”. Nếu hiểu văn hóa là “tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử” thì ta càng thấy rõ nhận định đó là đúng đắn với thực tế cuộc sông và lịch sử của dân tộc ta.

Con người Việt Nam rất thiết thực, mong ước “thái bình, an cư lạc nghiệp, để làm ăn cho no đủ,...”; con người hiền lành, tình nghĩa được ưa chuộng; ăn chắc mặc bền nên “không chuộng sự cầu kì”; biết khôn khéo “thủ thế, giữ mình gỡ được tình thế khó khăn”, v.v... Để xây dựng “cái nền nhân bản”, con người Việt Nam biết “xóa bỏ” những cái thô dã, hung bạo, để sống có văn hóa, để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, nền văn hiến Việt Nam.

Linh hoạt, dung hòa cũng là bản sắc văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt Nam mang đậm màu sắc văn hóa phương Đông. Con người Việt Nam đã biết dung hợp “cái vốn có” của mình với tinh hoa của văn hóa Phật giáo, văn hóa Nho giáo. Họ đã “sàng lọc, tinh luyện” để tạo thành bản sắc văn hóa Việt Nam. Hầu như làng nào cũng có chùa, có tượng Phật nhưng con người Việt Nam “không tiếp nhận” ở khía cạnh “trí tuệ cầu giải thoát” của Phật giáo; tuy thờ Khổng Tử nhưng họ “không tiếp nhận” ở khía cạnh “nghi lễ tủn mủn, giáo điều, khắc nghiệt” của Nho giáo. Còn Đạo giáo “hình như không có nhiều ảnh hưởng” trong văn hóa Việt Nam.

Sự linh hoạt và dung hòa đó đã thể hiện “khả năng chiếm lĩnh, khả năng đồng hóa những giá trị văn hóa bền ngoài”, chứng minh một cách hùng hồn “dân tộc Việt Nam có bản lĩnh”. Chỉ riêng về mặt chữ viết: từ chữ Nho đến chữ Nôm qua chữ Quôc ngữ, ta càng thấy rõ sự linh hoạt, dung hòa của dân tộc ta, của bản lĩnh Việt Nam.

4. Đọc bài “Nhìn về vốn văn hóa dân tộc” của Trần Đình Hượu, ta thấy rõ thêm vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của con người Việt Nam; thấy được những hạn chế, nhược điểm của nó do hoàn cảnh lịch sử để lại.

Nhân dân ta đã và đang sống, lao động xây dựng đất nước ngày một thêm giàu đẹp, “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Mỗi công dân Việt Nam, nhất là thế hệ thanh niên cần ra sức học tập giỏi, lao động giỏi và sống đẹp, sống có văn hóa.

Viết bình luận