Từ bài thơ Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến, em hãy viết bài văn bàn về danh và thực trong cuộc sống hôm nay

Nguyễn Khuyến (1835 - 1909), là nhà thơ lỗi lạc của nước ta vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Ông đã để lại nhiều thơ chữ Hán và chữ Nôm. Mảng thơ trào phúng của ông có bài “Tiến sĩ giấy”, ông châm biếm những tiến sĩ giấy bất tài vô dụng trong xã hội thực dân nửa phong kiến thời bấy giờ, đồng thời tự cười mình cũng là một con người vô tích sự:

Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,

Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi.

(Tiến sĩ giấy)

Đọc bài thơ Tiến sĩ giấy của Tam nguyên Yên Đổ, ta không khỏi không suy nghĩ đến danhthực trong cuộc sống hôm nay.

Bàn về danh và thực trong cuộc sống hôm nay

Danh là tiếng tăm. Có tài mới có danh. Người tài danh được thiên hạ trọng vọng. Thực là cái chất, bản chất tốt đẹp vốn có của con người. Có thực tài mới có thực danh. Nhờ chăm chỉ học hành đỗ đạt, nhờ lao động sáng tạo, làm nên bao thành tích tốt đẹp mới có tài danh, để lại gương sáng cho mọi người noi theo, để lại tiếng thơm cho đời. Nguyễn Công Trứ có câu thơ hay nói về “danh”:

Đã mang tiếng ở trong trời đất,

Phải có danh gì với núi sông.

Kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long, nhân dân ta nhớ ơn vua Lí Thái Tổ. Tên tuổi những người anh hùng như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung... đã gắn liền với những trang sử vàng của dân tộc. Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới. Tên các đường phố, tên các trường học đều là họ tên các bậc tài danh ấy của dân tộc.

Nguyễn Đình Chiểu đã viết về các nghĩ sĩ Cần Giuộc:

Ôi! Một trận khói tan; nghìn năm tiết rỡ.

Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh, chúng đều khen;

Thác mà ưng đỉnh miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ.

Trái với tài danh, thực danh, công danh là hư danh, ô danh, danh hão. Tục ngữ có câu: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, "Tốt danh hơn lành áo". Thói hám danh thật là xấu xa, bỉ ổi. Phan Châu Trinh đã khinh bỉ gọi đám quan trường là “những kẻ ham mồi phú quý”,“lũ ăn cướp có giấy phép” (Đạo đức và luân lí Đông Tây).

Xã hội ta hiện nay có bao điều tốt đẹp, bao gương người tốt việc tốt. Nhưng cũng có không ít những kẻ hám danh lợi mà báo chí đã từng vạch mặt chỉ tên. Thi cử gian lận để có mảnh bằng. Chạy chức, chạy quyền, chạy khen thưởng, làm láo báo cáo hay, v.v... là những hiện tượng tiêu cực đã từng xảy ra mà trong chúng ta, nhiều người đã biết. Tệ nạn ấy làm xói mòn đạo đức, làm ô nhiễm cuộc sống, làm giảm lòng tin của nhân dân. Mọi tiêu cực như tham ô lãng phí, quan liêu,... xét cho cùng là do tệ hám danh lợi mà ra. Tiến sĩ rởm, nhà báo rởm, quan thanh tra rởm... là ô danh!

Mỗi lần đọc báo Công an nhân dân thấy vị quan chức này ra hầu tòa, bà giám đốc nọ đứng trước vành móng ngựa, cậu ấm cô chiêu kia gây ra bao chuyện động trời, tôi lại nghĩ đến “danh”“thực” trong xã hội ta hiện nay.

Mỗi lần xem ti-vi nhìn thấy gương mặt tuấn tú, rạng rỡ của những học sinh thi Toán, Lí, Hóa... quốc tế, giành được Huy chương vàng, Huy chương bạc,... tôi lại nao nức nghĩ về “danh”“thực” dưới mái trường xã hội chủ nghĩa thân yêu.

Tôi tự nhủ và tự động viên mình hãy nỗ lực vươn lên, tu dưỡng đạo đức, bồi dưỡng văn hóa... để sớm trở thành người công dân tốt của đất nước.

Viết bình luận