Bình giảng bài ca dao Trèo lên cây bưởi hái hoa
Câu ca có hai nhân vật trữ tình đối lập nhau: chàng trai và cô gái. Về nhân vật thứ nhất, có thể có nhiều cách hiểu. Người thì cho đấy là một chàng trai đã từng thầm yêu cô gái, nhưng lại chậm nhận lời, lỡ bước, nay cô đã có chồng và cuộc trò chuyện hiện tại chỉ là cách để anh “bộc lộ sự nuối tiếc, thiết tha và bất lực, để bày tỏ tình yêu và nỗi buồn cùng cô gái”. Người thì cho đây là một chàng trai gặp gỡ và đem lòng yêu cô gái vào lúc đã muộn - cô đã có chồng, do vậy anh “rơi vào tình trạng thất tình ngay khi tình yêu mới nảy nở”. Nếu quả thế thì cái hành vi có vẻ khó hiểu của anh ta (hết “trèo lên cây bưởi” lại “bước xuống vườn cà”, vào vườn cà lại chẳng thể hái hoa cà mà đi tìm nụ tầm xuân, chẳng rõ nụ tầm xuân lúc đó đích thực màu trắng hay hồng, chỉ biết anh nhìn thấy nó như có màu xanh biếc) chỉ là biểu hiện của tâm trạng bối rối, không có chủ định do mình đem lòng yêu một cô gái đã có chồng. Nhưng dù hiểu theo cách nào thì cũng rõ là ở người con trai chỉ có nỗi buồn tiếc, cho dù có xót xa đi nữa, bởi lẽ anh vẫn còn tự do, vẫn còn nhiều cơ hội để yêu trong những mối tình khác.
Trọng tâm diễn tả của bài ca nằm ở phần lời của cô gái (ngay số câu thơ đã thể hiện điều đó: sáu câu so với bốn câu của chàng trai), ở đây không chỉ có nỗi buồn tiếc vì cuộc gặp gỡ muộn mằn này mà, quan trọng hơn, còn có cả nỗi tuyệt vọng: Cô đã có chồng. Điều đó có nghĩa là cô không chỉ tuyệt vọng trong mối tình này của chàng trai này - chàng trai đang bối rối tỏ tình trước mặt cô đây, cô còn, sẽ còn phải tuyệt vọng trong bất cứ mối tình nào khác. Hình ảnh “lá trầu cay” giá chỉ ba đồng (loại trầu lá đã già thì giá phải thấp) ẩn dụ cho sự tự đánh giá khiêm nhường của cô xuất hiện đúng vào lúc này, trong sự đối sánh trớ trêu giữa tình cảnh “bây giờ” bị lệ thuộc, với quá khứ của “những ngày còn không”, đã nói lên nỗi đau đớn trong tuyệt vọng của nhân vật trữ tình. Nỗi tuyệt vọng đến đau đớn ấy được cô gái diễn tả bằng một câu hỏi: “Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?” chất đầy tâm trạng. Trong cái câu hỏi tưởng như chỉ xoáy vào lòng chàng trai, thật ra còn xoáy (và xoáy mạnh hơn, sâu hơn, đau hơn) vào chính lòng cô gái, chúng ta nhận ra tình cảnh hiện tại của cô. Hình ảnh ‘chim vào lồng”, “cá cắn câu” được láy đi láy lại theo trật tự đảo ngược cho thấy nỗi đau của cô gái sâu đến mức nào. Hình ảnh Cá cắn câu biết đâu mà gỡ, Chim vào lồng biết thuở nào ra đã dồn nén cả niềm tiếc nuối thuở còn tự do, cả tâm trạng đau khổ, rối bời, cả thái độ vừa là cam chịu, vừa là biết hi sinh những nhu cầu tình cảm cá nhân cho hạnh phúc, sự êm ấm của gia đình hiện giờ mà chỉ cần một chút vị kỉ của cô cũng đủ làm tan vỡ.
Nhà thơ Trung Hoa Trương Tịch, đời Đường có viết bài “Tiết phụ ngâm” thật hay:
Chàng hay em có chồng rồi
Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành
Vấn vương những cảm mối tình
Em đeo trong áo lót mình màu sen
Nhà em vườn ngự kề bên
Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang
Như gương vâng biết lòng chàng
Thờ chồng cương quyết chẳng phụ chàng thề xưa
Trả ngọc chàng, lệ như mưa
Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng.
(Ngô Tất Tố dịch)
Cứ như lời thơ thì chàng trai mới chỉ biết cô gái sau khi cô đã có chồng. Vậy mà anh ta đã yêu ngay, đã đeo đẳng “triền miên” (chữ trong nguyên tác). Hơn thế anh còn dấn thêm một bước: tặng cô gái đôi hạt ngọc lành. Cô gái Trung Hoa trong thơ Trương Tịch có vẻ vừa ý với cuộc hôn nhân và cuộc sống vợ chồng hiện tại (khác với cô gái trong bài ca dao này: ở đây có cái giọng dằn mạnh, day đi day lại như muốn đay nghiến cái tình cảnh hiện tại của mình). Thế nhưng, sự “táo tợn” của anh chàng mới xuất hiện nọ đã có tác động đến cô: cô đã cảm động trước tình cảm của chàng trai lạ, hơn thế, cô còn dao động nữa khi nhận quà tặng đó (luôn đeo vào áo lụa hồng trong mình - hẳn chồng cô không hay biết). Nhưng rồi cô nghĩ lại lời thề sống chết với chồng, và cuối cùng cô đem ngọc trả lại người tặng trong hai hàng nước mắt hận rằng không gặp anh ta lúc chưa lấy chồng. Một thoáng xúc động chân thành, rồi một thoáng dao động, rồi một chút ân hận và một hành động quả quyết chen lẫn nước mắt (một nét tâm lí “rất người” mà nhà thơ đã “bắt chộp” được). Đó là tất cả những gì diễn ra trong tâm tư đầy mâu thuẫn và cả trong hành động của cô gái. Nhưng dẫu sao cô ta đã có dao động trong tình cảm, và sự dao động ấy đã có một biểu hiện thật rõ trong hành động. Cô gái trong bài ca dao này chưa có hành động gì có thể chứng tỏ cô dao động. Cũng có thể chàng trai trong bài ca dao Việt Nam không “táo tợn”, mãnh liệt trong ứng xử với người mình hiện muốn yêu nhưng có gì đảm bảo rằng anh sẽ không đi xa hơn cái việc chỉ thở than suông nếu như cô gái có tín hiệu đáp nhận, mở đường? Vả lại thở than như thế này cũng đủ rõ mục đích tìm gặp của anh ta quá rồi còn gì! Nhưng phần chắc chắn hơn cả là lí do này: đây không phải là cuộc gặp gỡ giữa những con người cụ thể - riêng biệt như trong thơ ca bác học, đây là cuộc đối đáp của những “chàng trai muôn thuở” với những “cô gái muôn đời” trong ca dao - dân ca. Trong thế giới thẩm mỹ của mình, văn học dân gian của nhân dân, của cộng đồng - cái phần tiêu biểu cho đạo lí chung của cộng đồng, của nhân dân.
Càng thấy rõ tâm trạng chín chiều, chiều nào cũng dằn vặt, đau khổ của cô gái trong bài ca, ta càng cảm phục nhân cách cao cả, tấm lòng quảng đại, nhân ái của những người phụ nữ bình dân Việt Nam từ xưa đến nay. Ca dao - dân ca là tiếng nói tâm hồn trong sáng nhất của một dân tộc vậy.
Viết bình luận